Kenya là một trong những quốc gia có tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng nhất tại khu vực Châu Phi, nơi có 14,5 triệu người thường xuyên trong tình trạng thiếu ăn và dinh dưỡng kém. Cứ ba người Kenya thì có một người bị bệnh do suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, các sản phẩm biến đổi gen (BĐG) gần đây, như thực phẩm và vải dệt, đang báo hiệu một tiềm năng đầy hứa hẹn cho ngành nông nghiệp nước này.
Công nghệ sinh học (CNSH) được coi là giải pháp tốt mang lại sự thịnh vượng cho Kenya trong tương lai. Điều này được củng cố bởi các lý do sau:
Mất an ninh lương thực và đói nghèo
Các chỉ số cho thấy mức đói nghèo tại Kenya bao gồm tỷ lệ bệnh lao và tử vong ở trẻ sơ sinh cao và tỷ lệ biết chữ thấp. Kenya xếp hạng 55 trong số 195 quốc gia theo Chỉ số An ninh Sức khoẻ Toàn cầu và gần một nửa dân số sống tại ngưỡng nghèo tuyệt đối với mức thu nhập trung bình dưới 1,90 đô la một ngày. Kenya là quốc gia phụ thuộc vào nông nghiệp với 79% dân số dựa vào sản xuất lương thực và cây trồng, tuy nhiên việc làm nông lại không mang lại mức thu nhập đủ sống cho họ. Trái lại, nhiều cây trồng sản xuất tại Kenya được xuất khẩu tới các quốc gia khác và khoảng 72% sản phẩm tiêu dùng được nhập khẩu từ các khu vực lân cận. Thêm vào đó quốc gia này có dân số liên tục tăng trưởng do sự thiếu vắng của dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và giáo dục với chi phí hợp lý. Số lượng nhân khẩu trung bình trong các hộ gia đình nghèo nhất tại Kenya thường có từ 4 đến 6 trẻ em.
Phần lớn đói nghèo tại Kenya lại có nguyên nhân chính là bởi tình trạng tham nhũng của chính phủ Kenya. Đa số cán bộ và công chức chấp nhận hối lộ để củng cố quyền lực. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Kenya là một trong những quốc gia tham nhũng nhất trong số các nước có chủ quyền. Khảo sát công khai cho thấy 45% người sử dụng dịch vụ công đã đưa hối lộ (và được chấp nhận) trong năm vừa qua. Vào năm 2019, 67% người dân nhận thấy sự gia tăng về tham nhũng của chính phủ, đưa Kenya vào top 45 quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới.
Trong cuộc bầu cử, Tổng thống Kenya – ông Uhuru Kenyatta đã đề xuất thay thế mục tiêu Tầm nhìn Kenya 2030 bằng kế hoạch “Bốn mục tiêu lớn” nhằm triệt tiêu tình trạng đói nghèo. Tổng thống Kenyatta lên kế hoạch đảm bảo an ninh lương thực, nhà ở giá rẻ, sản xuất và dịch vụ y tế với giá cả phải chăng cho mọi người dân thông qua một đề xuất ngân sách ưu tiên cơ sở hạ tầng công cộng. Ông Kenyatta dự định đạt được những mục tiêu này vào năm 2022. Tuy nhiên, những thách thức về môi trường cùng đại dịch COVID-19 đã đe doạ ngành sản xuất thực phẩm và khả năng của chính phủ trong việc ưu tiên những mục tiêu này.
Ngành công nghiệp mới – niềm hy vọng mới
Người nông dân Kenya tiếp nhận sản phẩm BĐG và công nghệ sinh học khá chậm do những nghi ngờ về ung thư cũng những giả thuyết về việc có thể mắc bệnh khi tiêu thụ “các sản phẩm không tự nhiên”. Tuy nhiên, nghiên cứu cập nhật của Bộ Nông nghiệp Kenya cho thấy không có mối liên hệ rõ ràng giữa cây trồng BĐG và bệnh ung thư. Bên cạnh đó, báo cáo về CNSH tại nước này cũng cho thấy việc ứng dụng các quy trình canh tác và các giống cây BĐG sẽ hỗ trợ tiêu diệt sâu đục quả trên cây bông. Đây cũng là công cụ hứa hẹn giúp giảm đói nghèo tại quốc gia này. Với việc hình thành chính sách quản lý cây trồng CNSH, Kenya là một trong những quốc gia Đông Phi đầu tiên triển khai canh tác bông BĐG.
Vào năm 2019, Bộ Nông nghiệp đã cấp phép sử dụng “Bông Bt”, một giống bông được thiết kế đặc biệt để xua đuổi các giống sâu bướm phá hoại một cách tự nhiên mà không phải sử dụng thêm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Bông là một trong những cây trồng được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành công nghiệp dệt may và đong góp đến hơn 21% vào nền kinh tế xuất khẩu của Kenya. Hơn 69% nền kinh tế của Kenya phụ thuộc vào xuất khẩu trà và hoa cắt cành sang các quốc gia láng giềng, việc hạn chế lượng sản phẩm thiệt hại do dịch bệnh và các yếu tố khác là cần thiết để bảo vệ những ngành công nghiệp quan trọng này, đồng thời đảm bảo tăng trưởng trong tương lai.
Kỹ thuật chuyển gen tạo ra cây trồng với hình dạng và kích thước lý tưởng, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng mong muốn với khả năng kháng dịch hại và các bệnh khác. Với những biến đổi này, nông dân có thể kỳ vọng đạt được sản lượng cây trồng cao hơn cũng như sử dụng lượng nước ít hơn nhờ các hạt giống BĐG có khả năng chống hạn.
Cây sắn tại Kenya
Cây sắn là một trong những nhóm thực phẩm chính tại các khu vực ven biển của Kenya. Người dân tiêu thụ nó phần lớn dưới dạng rễ giàu calo và giàu chất dinh dưỡng. Giống sắn Bt hiện đang được thử nghiệm để xác định khả năng kháng bệnh sọc nâu và bệnh khảm lá sắn. Giáo sư Miano của Dự án sắn kháng virus cho Châu Phi (VIRCA plus) khẳng định nông dân bị mất tới 70% mùa màng bởi những căn bệnh này. Giống sắn Bt đang chờ Bộ Nông nghiệp nước này cấp phép sau quá trình đánh giá an toàn sinh học và tính bền vững. Những thử nghiệm cây trồng này trước đó đã cho kết quả đầy hứa hẹn như giáo sư Miano trích dẫn: “… Tôi có thể xác nhận giống sắn này tốt, khả năng kháng bệnh cao mà thành phần dinh dưỡng không bị ảnh hưởng”. Nếu việc sản xuất sắn Bt tiếp tục cho thấy các kết quả khả quan như vậy, căng thẳng về an ninh lương thực có thể sẽ trở thành ký ức đối với người dân Kenya.
Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm quốc nội của Kenya đang dậm chân ở mức dưới 5% do đại dịch COVID-19 – đây là mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 3 năm qua. Ngành du lịch và dịch vụ lưu trú trì trệ được cho là nguyên nhân của sự suy giảm kinh tế nặng nề này. Dù vậy, kỹ thuật CNSH đang là một trong những cải tiến tiềm năng nhất giúp giải quyết thách thức dân số ngày càng tăng. Thực phẩm (BĐG) thường chứa vitamin và các lợi ích dinh dưỡng khác giúp cải thiện vấn đề suy dinh dưỡng trong cộng đồng. Đồng thời cây trồng được sản xuất bằng công nghệ sinh học đang dần có giá cả phải chăng hơn đối với người nông dân Kenya. Đặc biệt, ngành dệt may đang suy tàn trước đây chắc chắn sẽ sớm chứng kiến sự tăng trưởng với tỉ lệ ứng dụng đạt hơn 11%.
Cây trồng BĐG sẽ giúp làm giảm nhu cầu nhập khẩu. Nhờ việc ứng dụng CNSH trong nông nghiệp , người nông dân có thể gia tăng năng suất nhờ vào việc tiết kiệm thời gian, nhân công lao động dành cho những công việc thông thường như làm cỏ, đồng thời chi phí đầu vào cũng giảm do không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều.
Việc chuyển đổi sang CNSH trong sản xuất thực phẩm sẽ khiến Kenya trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong sản xuất nông nghiệp, làm giảm mức nghèo tuyệt đối đồng thời mang lại một tương lai bền vững, khoẻ mạnh hơn cho người dân nơi đây.
###
Tài liệu tham khảo:
- The Borgen Project: https://borgenproject.org/biotech-in-kenya/
The Borgen Project là một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận với mục tiêu hỗ trợ giảm thiểu đói nghèo hoạt động tại Hoa Kỳ.
Bình luận