Với quy mô được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay về lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật tại Việt Nam, Hội nghị “Thành tựu trong Công nghệ Sinh học thực vật – Từ chỉnh sửa gen cây trồng đến phát triển nông nghiệp bền vững” (VAPB) sẽ có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu uy tín hàng đầu trong nước & quốc tế. Họ đều là những cá nhân có bề dày kinh nghiệm sâu rộng, sở hữu nhiều thành tích cùng những cống hiến nổi bật trong công cuộc thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp bền vững.
Cùng CropLife Vietnam tìm hiểu thông tin về đội ngũ chuyên gia, diễn giả hàng đầu tại VAPB 2024!
GS Dave Jackson là nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về lĩnh vực sinh học phát triển và di truyền thực vật. GS hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu Cold Spring Harbor, NY, Mĩ. Nhóm của GS Jackson tập trung nghiên cứu vào hệ gen và tín hiệu điều khiển cấu trúc và sinh trưởng của thực vật. Nhóm đã phát hiện các cơ chế quan trọng điều khiển sự phát triển của tế bào gốc trên thực vật, giúp giải mã phương thức hoạt động phức tạp của các tín hiệu sinh trưởng. Nhóm nghiên cứu cũng phát triển các phương pháp di truyền và khám phá các hệ gen quan trọng trong phát triển cơ quan sinh sản ở thực vật, với hướng ứng dụng là tạo ra các giống cây trồng có năng suất cao.
GS Gary Stacey là một nhà khoa học xuất sắc và hàng đầu đến từ Đại học Missouri, là người đã có những đóng góp đáng kể cho sự hiểu biết về cơ chế phân tử điều hoà sự tương tác giữa thực vật và vi khuẩn ở các loài đậu, đặc biệt là ở đậu tương. Với 300 bài báo khoa học, 79 chương sách và 13 bằng phát minh, các công trình nghiên cứu đột phá của GS và nhóm nghiên cứu không chỉ làm sáng tỏ các cơ chế sinh học cơ bản ở thực vật mà còn có ứng dụng thực tiễn trong cải thiện năng suất và khả năng chống chịu của cây trồng. GS đã đảm nhận các vị trí tư vấn cho các tổ chức như American Society of Plant Biologists, Hội đồng Tư vấn về Nghiên cứu Sinh học và Môi Trường – Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, sáng lập báo “Current Protocols in Plant Biology”, chủ biên báo “Molecular Plant-Microbe Interactions”, v.v. Với các thành tích xuất sắc của mình, GS đã nhận được nhiều vinh danh và giải thưởng từ các tổ chức bao gồm American Association for the Advancement of Science (Hội Khoa Học Tiến Bộ Hoa Kỳ), National Academy of Inventors (Hội đồng Quốc gia các nhà Phát minh), v.v.
GS Gao là chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực công nghệ gen và chỉnh sửa gen thực vật. Giáo sư hiện là trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Sinh học Di truyền và Phát Triển, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Nghiên cứu của nhóm tập trung vào phát triển công nghệ CRISPR hiệu quả chỉnh sửa cao trên tế bào thực vật, có tính ứng dụng cao, nhằm phát triển các giống cây lương thực có chất lượng cao, kháng bệnh tốt và có khả năng chống chịu tốt. Nghiên cứu của Giáo sư được lựa chọn là một trong những nghiên cứu đột phá nhất và được trích dẫn cao nhất trong lịch sử 20 năm của tạp chí Nature Biotechnology danh giá.
Giáo sư Masaki Endo là một nhà khoa học nổi tiếng đến từ Tổ chức Nghiên cứu Nông Nghiệp và Thực phẩm Quốc gia (NARO) tại Nhật Bản. Các công trình nghiên cứu của GS tập trung vào việc tăng cường năng suất cây trồng, sức chống chịu và chất lượng dinh dưỡng thông qua việc áp dụng các phương pháp công nghệ sinh học tiên tiến như CRISPR.
Giáo sư Friedrich Kragler là nhà khoa học kiệt xuất thuộc viện Max Planck về Sinh lý Thực vật Phân tử. GS được biết đến với những đóng góp tiên phong trong lĩnh vực sinh học thực vật, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ chế truyền tin liên tế bào và sự vận chuyển xa của các phân tử lớn trong mô thực vật. GS và cộng sự gần đây đã phát triển một phương pháp đột phá để chỉnh sửa gen thực vật bằng công nghệ CRISPR. Bằng cách cấy ghép một thân không được chỉnh sửa gen lên rễ chứa một hệ thống CRISPR/Cas9 di động, GS và cộng sự đã cho phép hệ thống này di chuyển vào phân thân, nơi nó có thể chỉnh sửa DNA của cây mà không để lại dấu vết cho thế hệ tiếp theo của cây. Sáng kiến này hứa hẹn đơn giản hoá và tăng tốc quá trình phát triển các loại cây trồng khác nhau, cải tiến các chương trình lai tạo và vượt qua các hạn chế của các kỹ thuật hiện có.
Giáo sư Bernard Carroll hiện là giáo sư tại Đại học Queensland. Giáo sư được biết tới với nghiên cứu về RNA can thiệp (RNA interference) (RNAi) và ngoại di truyền (epigenetics) trên sự điều hành biểu hiện gen (gene regulation) và phản ứng của hệ gen với các yếu tố môi trường. Các nghiên cứu của GS và cộng sự sử dụng các phương pháp di truyền học và phân tử để xác định và nhân bản các gen quan trọng liên quan đến việc tắt gen (gene silencing) ở thực vật, đặc biệt là các gen điều hoà đường truyền RNA liên tế bào (intercellular RNA signaling) và cách chúng ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và đề kháng lại virut và gen nhảy (transposons). Qua các nghiên cứu sáng tạo, Giáo sư góp phần nâng cao hiểu biết về các cơ chế di truyền cơ bản trong cây trồng, với những ứng dụng của RNAi cho nông nghiệp, công nghệ sinh học và nhiều lĩnh vực khác.
Giáo sư Dương Tấn Nhựt là phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên có đóng góp to lớn vào việc thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ của Đà Lạt – Lâm Đồng. GS Nhựt là nhà khoa học đầu ngành về quy trình nhân giống cây bằng kỹ thuật nuôi cấy mô, trong đó có sâm Ngọc linh, góp phần bảo tồn giống cây quý hiếm này. Nhờ kỹ thuật này, Giáo sư và cộng sự cũng đã giúp Đà Lạt – Lâm Đồng chủ động nguồn gốc giống cây hoa, góp phần đưa thương hiệu “Hoa Đà Lạt” vươn ra thế giới. GS cũng là người tham gia cố vấn, hỗ trợ đào tạo kỹ thuật, con người, v.v cho các công ty, doanh nghiệp xuất khẩu hoa.
Hội nghị: Thành tựu trong Công nghệ Sinh học thực vật – Từ chỉnh sửa gen cây trồng đến phát triển nông nghiệp bền vững do Viện nghiên cứu Cold Spring Harbor Laboratory (Hoa Kỳ), Hội Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam), Viện Công nghệ Sinh học – Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) phối hợp tổ chức vào ngày 11-12/4 tại Quy Nhơn.
Chi tiết xem tại : https://www.icisequynhon.com/conferences/2024/VAPB/index.html
—–
Bình luận