Một sự kiện quan trọng đối với nền nông nghiệp thế giới đã xảy ra vào đầu tháng 6 vừa qua nhưng chưa nhận được sự quan tâm từ các phương tiện truyền thông. Ủy ban Phê duyệt Giống cây trồng Quốc gia Trung Quốc đã ban hành 2 Tiêu chuẩn nhằm tạo cơ sở cho việc canh tác cây trồng biến đổi gen (BĐG) ở quốc gia này.
Đây là mảnh ghép pháp lý còn thiếu liên quan đến các quy định cho phép canh tác thương mại hoá ngô và đậu tương BĐG tại Trung Quốc. Chính phủ đã đưa ra hai bước trong các quy định này. Đó là “chứng nhận an toàn” và “công nhận giống” trước khi cây trồng có thể được trồng trên diện rộng.
Nhiều giống ngô và đậu tương BĐG khác nhau đã nhận được giấy chứng nhận an toàn từ năm 2019. Cái còn thiếu là “công nhận giống”. Giờ đây, rào cản đó đã được xóa bỏ và việc thương mại hóa cây trồng BĐG ở Trung Quốc là hoàn toàn khả thi.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng nhắc lại thông tin này. Bộ này cũng nhấn mạnh “Trung Quốc có kế hoạch phê duyệt nhiều giống ngô biến đổi gen (BĐG) hơn.” Hiện nay, tuy Trung Quốc nhập khẩu ngô và đậu tương BĐG, nhưng việc tiến hành trồng trọt những loại cây này đang bị cấm trong nước.
Sự thay đổi trong các quy định tiềm năng sẽ cải thiện đáng kể sản lượng canh tác. Điều này phù hợp với tham vọng của Trung Quốc trong việc tăng nguồn tự cung các loại ngũ cốc và hạt có dầu thiết yếu trong những năm tới. Bằng việc đề ra những mục tiêu cụ thể đối với các sản phẩm như thịt lợn, quốc gia này này muốn tự sản xuất đến 95% tổng sản lượng tiêu thụ vào năm 2025.
Nông dân Nam Phi và các doanh nghiệp kinh doanh nông sản cần hết sức lưu ý những diễn biến này bởi nó sẽ có tác động đến tăng trưởng dài hạn của ngành nông nghiệp trong nước.
Sự gia tăng sản xuất ở các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là ngô, cây trồng mà Nam Phi được xem là nước xuất khẩu ròng, có thể làm gia tăng cạnh tranh và áp lực giảm giá trong trung hạn. Một số thị trường xuất khẩu ngô chính của Nam Phi là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam đều có vị trí gần với Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc tăng dần sản lượng và trở thành nước xuất khẩu ròng ngô ổn định, đây sẽ là một thách thức đối với Nam Phi khi phải tìm kiếm thị trường ở những quốc gia khác.
Các tranh luận
Năng suất canh tác ngô của Trung Quốc tương đương với Nam Phi, Hoa Kỳ, Argentina và Brazil, những quốc gia vốn đã sử dụng hạt giống BĐG từ rất lâu (xem Hình 1).
Tại những quốc gia này, hạt giống BĐG mang thêm nhiều lợi ích khác như giảm thiểu tần suất sử dụng thuốc BVTV, khuyến khích các phương pháp làm đất thân thiện với môi trường hơn và cải thiện năng suất cây trồng.
Trung Quốc có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu nếu năng suất ngô và đậu tương tại quốc gia này được cải thiện trong những năm tới.
Trung Quốc là một trong những quốc gia nhập khẩu ngô và đậu tương lớn nhất thế giới. Sản lượng nhập khẩu của nước này chiếm đến 13% lượng ngô nhập khẩu toàn cầu vào năm 2021 và khoảng 60% lượng đậu tương nhập khẩu của thế giới. Việc giảm khối lượng nhập khẩu có thể dẫn đến áp lực giảm giá toàn cầu.
Người tiêu dùng và ngành chăn nuôi gia súc và gia cầm sẽ được hưởng lợi khi giá ngô và đậu tương toàn cầu giảm. Điều này được xem là vô cùng cần thiết vì cả thế giới đã ở trong thời kỳ giá lương thực tăng cao trong suốt hai năm qua.
Tuy nhiên, điều này khó có khả năng xảy ra trong vòng hai vụ tới vì vẫn sẽ mất một thời gian để Trung Quốc triển khai trồng ngô BĐG trên diện rộng. Mặc dù Trung Quốc khá chậm trong việc ứng dụng kỹ thuật BĐG, nhưng đất nước này lại đạt được tiến bộ đáng kể trong chỉnh sửa gen – công nghệ được quy định khác so với BĐG và đang giúp cải thiện đáng kể năng suất cây trồng.
Kết quả
Đây là hồi chuông cảnh báo cho các quốc gia tại châu Phi khi mà hầu hết các nước trong khu vực này phản đối việc trồng cây BĐG. Chỉ có Nam Phi là ngoại lệ.
Theo Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), Nam Phi sử dụng diện tích đất tương đối nhỏ để sản xuất khoảng 16% sản lượng ngô ở vùng cận Sahara, tương đương trung bình 2,5 triệu ha kể từ năm 2010. Ngược lại, các nước như Nigeria canh tác trên 6,5 triệu ha trong cùng vụ sản xuất nhưng chỉ thu hoạch được 11,0 triệu tấn ngô, tương đương với 15% sản lượng ngô của khu vực cận Sahara.
Thủy lợi là một yếu tố bổ sung ở Nam Phi, nhưng không chiếm vị trí quan trọng, vì chỉ 10% ngô của quốc gia này được tưới, trong khi 90% ngô được tưới bằng nước mưa. Điều này cũng tương tự ở các nước châu Phi khác.
Nam Phi bắt đầu trồng giống ngô BĐG trong vụ 2001-2002. Trước khi hạt giống ngô BĐG được đưa vào sử dụng, năng suất ngô trung bình đạt được khoảng 2,4 tấn/ha. Con số này hiện đã tăng lên mức trung bình là 5,6 tấn/ha tính đến vụ sản xuất 2020-2021.
Cùng lúc đó, sản lượng ngô châu Phi cận Sahara vẫn ở mức thấp, trung bình dưới 2 tấn/ha. Trong khi năng suất cũng ảnh hưởng bởi việc cải thiện chất phôi nguyên sinh (germplasm) (được tạo ra bởi kỹ thuật công nghệ sinh học không BĐG) và cải thiện phương thức làm đất (ít hoặc không làm đất – do công nghệ chống chịu thuốc trừ cỏ của cây trồng BĐG mang lại), các lợi ích khác bao gồm tiết kiệm chi phí lao động, giảm sử dụng thuốc BVTV cũng như tăng cường khả năng kiểm soát cỏ dại và dịch hại.
Khi lục địa châu Phi hiện vẫn đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu lương thực hàng năm, việc áp dụng công nghệ, hạt giống BĐG và các phương tiện khác được khuyến khích thực hiện nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Argentina, Brazil, Hoa Kỳ và Nam Phi là minh chứng rõ ràng cho lợi ích của công nghệ trong việc tăng sản lượng nông nghiệp.
Chính phủ các nước châu Phi nên đánh giá lại các tiêu chuẩn quy định và ủng hộ sử dụng công nghệ. Tất nhiên, điều này thường dẫn tới các cuộc tranh luận về quyền sở hữu hạt giống và làm thế nào các hộ nông dân sản xuất nhỏ ở một số quốc gia đang phát triển có thể đấu tranh nhằm có được hạt giống cho nông trại của mình.
Đây là những vấn đề thực tế mà các nhà hoạch định chính sách ở các nước châu Phi nên quản lý nhằm đạt được các thỏa thuận với những đơn vị lai tạo giống và phát triển công nghệ mà không ngăn cản sự đổi mới. Những đơn vị phát triển công nghệ cũng cần lưu ý đến những vấn đề này khi làm việc với chính phủ ở các nước châu Phi.
Các rủi ro về địa chính trị và tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay cũng đặt ra yêu cầu cần phải tìm kiếm khẩn cấp các giải pháp công nghệ nhằm tăng sản lượng nông nghiệp ở mỗi quốc gia. Các cơ quan quản lý Trung Quốc hiện đang đi theo con đường này.
Bình luận