Trung Quốc, nước nhập khẩu ngô và đậu tương lớn nhất thế giới, dường như cuối cùng đã thừa nhận tiềm năng của việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen (BĐG) làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Liệu sự chấp nhận này có đủ để giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và liệu nó có đáp ứng nhu cầu về TĂCN ngày càng tăng của các quốc gia khác để tăng sản lượng thịt động vật?
Nhu cầu tiêu thụ thịt khổng lồ của châu Á đã kéo theo nhu cầu lớn tương đương về TĂCN, đặc biệt là ngô và đậu tương. Ba quốc gia xuất khẩu ngô và đậu tương làm nguyên liệu TĂCN lớn nhất trên thế giới hiện nay – Hoa Kỳ (Mỹ), Argentina và Brazil – đã đầu tư vào công nghệ BĐG và canh tác các cây trồng này một cách đầy cạnh tranh bất chấp những lo ngại từ các nhóm phản đối. Mặc dù là một trong những nước có nền nông nghiệp lớn trên thế giới, nhưng dường như Trung Quốc đang đi sau khi chưa trồng cây BĐG.
Hầu hết các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng nhu cầu tiêu thụ thịt đang gia tăng ở châu Á vẫn chưa “đạt đỉnh”. Do đó, sự cạnh tranh về cây trồng sử dụng làm TĂCN sẽ gay gắt hơn trong những năm tới khi nguồn cung có thể bị đe dọa bởi các yếu tố địa chính trị và môi trường khi an ninh lương thực của thế giới bước vào kỷ nguyên mà chúng ta gọi là “thâm hụt không ổn định”, trong đó tính ổn định của an ninh lương thực không được đảm bảo và các quốc gia sẽ phải chuẩn bị tốt hơn để đối phó với diễn biến “không chắc chắn” này.
Tại Trung Quốc, một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới, nhu cầu tiêu thụ thịt của tầng lớp trung lưu hiện đang gia tăng nhanh chóng. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ vẫn có tầm ảnh hưởng quan trọng lên sức mua ngô và đậu tương dư thừa trên thị trường thế giới.
Để đối phó với lo ngại mất an ninh lương thực, đặc biệt là TĂCN, Bắc Kinh đang cân nhắc việc ứng dụng công nghệ BĐG, bắt đầu với ngô BĐG, nhằm làm giảm mức độ phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn cung toàn cầu. Hướng đi này thậm chí có thể giải phóng sản lượng ngô cho các quốc gia đang thiếu hụt nguồn cung khác, nên việc ứng dụng công nghệ BĐG của Trung Quốc có thể tác động mạnh tới thương mại toàn cầu cũng như sinh kế của người trồng ngô ở các nước xuất khẩu và các hộ trồng ngô quy mô nhỏ ở các nước đang phát triển.
Nhu cầu tiêu thụ thịt đang ngày càng gia tăng
Mức tiêu thụ của Trung Quốc đối với các loại ngũ cốc dùng làm TĂCN phản ánh nhu cầu ngày càng tăng đối với protein động vật và chế độ ăn uống đang thay đổi của người dân do mức sống cao hơn và thu nhập hộ gia đình tăng lên. Tiêu thụ thịt ở Trung Quốc đã tăng đều đặn trong những thập kỷ gần đây, biến quốc gia này trở thành nơi sản xuất, tiêu dùng và nhập khẩu thịt lớn nhất thế giới.
Vào năm 2021, quốc gia này đã tiêu thụ gần 100 triệu tấn thịt – chiếm 27% tổng lượng tiêu thụ của thế giới – bao gồm 57 triệu tấn thịt lợn, 25 triệu tấn thịt gia cầm và 9 triệu tấn thịt bò. Và nhu cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Quốc gia này gần đây đã đặt mục tiêu sản xuất 95% protein trong nước vào năm 2025, bao gồm 85% thịt bò và thịt cừu tự cung tự cấp và 70% nguồn sữa tự cung tự cấp.
Nhu cầu về thức ăn chăn nuôi vượt quá khả năng tự cung trong nước
Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 100 triệu tấn đậu tương và 27 triệu tấn ngô, chủ yếu để dùng làm nguyên liệu chăn nuôi lợn, gà và cá. Sản xuất thức ăn chăn nuôi nội địa của Trung Quốc, vốn sử dụng các giống cây trồng không BĐG, đã hoàn toàn không thể theo kịp nhu cầu. Để bổ sung sản lượng trong nước, Trung Quốc hiện đang nhập khẩu ngô và đậu tương BĐG.
Mặc dù là nước trồng ngô lớn nhất thế giới tính theo diện tích, nhưng tổng sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc không đáp ứng đủ nhu cầu. Theo nhiều báo cáo, Trung Quốc đã trồng ngô trên diện tích khoảng 43 triệu ha trong vụ gieo trồng vừa qua, sản xuất ước tính 270 triệu tấn. Tuy nhiên, nước này đã phải nhập khẩu 27 triệu tấn ngô trong năm 2021 từ Mỹ, Argentina và Brazil. Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, nhập khẩu nhiều hơn 6 lần so với nơi nhập khẩu lớn thứ hai là Liên minh châu Âu.
Năng suất cây trồng cao trên mỗi ha là một lý do quan trọng để giải thích cho việc tại sao có một số quốc gia có thể có nguồn thặng dư để xuất khẩu. Tại Mỹ, năng suất ngô trung bình là 11-12 tấn/ha trong khi năng suất ngô trung bình của Trung Quốc là 6,2 tấn/ha. Tương tự như vậy, năng suất đậu tương trung bình ở Mỹ là khoảng 3,5 tấn/ha trong khi ở Trung Quốc là 1,6 tấn/ha. Nông dân Hoa Kỳ đang ứng dụng công nghệ trong canh tác nông nghiệp, trong đó có công nghệ sinh học – cây trồng BĐG để sản xuất ra sản lượng cây trồng này.
Cây trồng BĐG chính thức được canh tác tại Trung Quốc từ năm 2023
Mặc dù đã nghiên cứu về cây trồng BĐG sử dụng làm thực phẩm trong nhiều thập kỷ qua nhưng Trung Quốc chưa cho phép canh tác do sự phản đối từ trong nước đối với công nghệ này; tuy nhiên trong khi đó, nước này đã cho phép nhập khẩu đậu tương và ngô BĐG để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và đã trồng cây bông BĐG.
Gần đây, Trung Quốc lần đầu tiên phê duyệt trồng ngô BĐG cho vụ mùa năm 2023 măc dù ước tính trong hiện tại diện tích ngô BĐG sẽ chỉ chiếm ít hơn 1% tổng diện tích trồng ngô. Bộ Nông nghiệp đã chỉ định trồng ngô BĐG trên khoảng 4 triệu mẫu (267.000 ha) trong năm nay tại các vùng nhất định của tỉnh Nội Mông, Cát Lâm, Hà Bắc và Vân Nam.
Đây là một trong những động thái mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang theo sát hơn trong việc nắm bắt giá trị của cây trồng công nghệ sinh học. Trước đó, vào tháng 1/2022, Trung Quốc đã công bố hướng dẫn mới về việc phê duyệt thực vật chỉnh sửa gen. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh ra đời một loạt các chỉ thị nhằm “đại tu” ngành hạt giống của Trung Quốc – hiện được coi là một mắt xích yếu trong sản xuất cây trồng công nghệ sinh học. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, Tang Renjian, đã ví hạt giống như “chip máy tính” của nông nghiệp.
Triển vọng phát triển dài hạn
Một thành ngữ Trung Quốc nói rằng “Dân dĩ thực vi thiên – Dân lấy ăn làm trời” (民以食为). Câu nói này phản ánh tầm quan trọng của an ninh lương thực ở Trung Quốc. Trong hàng ngàn năm, an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trung Quốc và vẫn như vậy cho đến ngày nay.
Bước đột phá của Trung Quốc với cây trồng BĐG phải được xem xét trong bối cảnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tránh phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài để sản xuất lương thực, bao gồm hạt giống, phân bón và công nghệ. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần phát biểu trước công chúng về tầm quan trọng của công nghệ nông nghiệp và ngành hạt giống ở Trung Quốc, nhấn mạnh rằng, “Để đảm bảo rằng nguồn hạt giống của Trung Quốc có thể tự hỗ trợ và được kiểm soát tốt hơn, ta phải đạt được sự tự chủ trong công nghệ hạt giống.”
Tuy nhiên, nhiều vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt, bao gồm tình trạng chất lượng đất đặc biệt kém, nước ngọt bị ô nhiễm và đất canh tác hạn chế, đồng nghĩa với việc quốc gia này sẽ phải mất nhiều năm nữa mới đạt được kết quả như mong đợi. Trung Quốc sẽ cần tiếp tục dựa vào nhập khẩu ngũ cốc nếu sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu hoặc khi chi phí sản xuất trong nước trở nên quá cao mà nguồn cung từ nước ngoài lại rẻ hơn.
Sau cùng, bước đột phá của Trung Quốc với cây trồng BĐG có thể sẽ có tác động tích cực đến nhu cầu tăng sản lượng ngô trong nước của chính nước này (tương tự với đậu tương), đồng thời tăng nguồn cung ngô (và đậu tương) cho các nước nhập khẩu khác. Đây sẽ là một lợi ích cho cả người tiêu dùng và người sản xuất.
Về tác giả:
– Tiến sỹ Paul Teng là Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Phi Truyền thống (Trung tâm NTS), Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore. Ông cũng là chủ tịch của Tổ chức Phi lợi nhuận International Service for the Acquisition of Agribiotech Applications Inc., Philippines (Dịch Vụ Quốc tế về Tiếp nhận và Ứng dụng cây trồng Công nghệ Sinh học – ISAAA).
– Tác giả Genevieve Donnellon-May là nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Toàn cầu Oxford và là chuyên gia phân tích của tổ chức The Red Line.
Bình luận