Nông dân Nigeria trồng đậu đũa (hay còn gọi là đậu que, đậu cô ve) biến đổi gen (BĐG) với tính trạng kháng sâu đục quả (PBR) cho biết những thiệt hại về năng suất do sâu bệnh gây hại trên ruộng đã giảm đáng kể so với việc canh tác các giống đậu đũa thông thường. Đậu đũa BĐG là giống cây trồng BĐG đầu tiên được canh tác tại quốc gia này.
Ông Dabo Umar, một nông dân 65 tuổi ở Bang Kano có 20 người con và hai người vợ, chia sẻ với Alliance for Science trong một cuộc phỏng vấn tại trang trại của mình rằng, lợi nhuận của ông tăng thêm 20.000 Naira (tương đương 50 đô la Mỹ) từ 5 mẫu đất canh tác giống đậu đũa kháng PBR của mình trong năm 2020 so với các vụ trước. Với kinh nghiệm 35 năm trồng đậu đũa, ông Dabo chia sẻ: “Giống đậu đũa này tốt hơn bất kỳ loại đậu đũa nào khác. Đây là loại tốt nhất… Có rất nhiều người hỏi làm thế nào mà chúng tôi có được loại đậu đũa này… Không còn sâu Maruca (một loài sâu đục quả) tấn công cây nữa. Chúng tôi rất vui vì điều đó.”
Ông Goma Lawal, một nông dân 54 tuổi có hai vợ và 20 con ở bang Kaduna, cho biết rằng ông không còn phải đầu tư nhiều vào các biện pháp bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh sau khi giống đậu đũa BĐG được cấp phép gieo trồng. Ông cho biết: “Nếu nói về chi phí thì trên thực tế chúng tôi không tốn thêm nhiều tiền. Giống BĐG không giống như giống đậu đũa thông thường. Với giống đậu đũa thông thường, chúng tôi thường tốn từ 2.000 Naira (7,5 đô la Mỹ) đến 3.000 Naira (7,5 đô la Mỹ) vào việc mua thuốc BVTV. Với giống BĐG, chúng tôi chỉ tốn chi phí chưa đến 1.000 Naira (2,5 đô la Mỹ)”.
Ông Ahiaba M. Sylvanus, một nông dân 63 tuổi canh tác quy mô nhỏ ở bang Kaduna, cũng có quan sát tương tự. Khi trồng giống đậu đũa thông thường, ông cho biết mình đã phải phun thuốc BVTV tới 8 lần trong suốt vòng đời 12 tuần của cây. Việc liên tục sử dụng thuốc BVTV khiến ông tiêu tốn khoảng 20.000 Naira (tương đương 50 đô la Mỹ) cho mỗi vụ mùa. Nhưng khi trồng đậu đũa BĐG, ông chỉ cần phun thuốc 2 lần và cây trồng của ông vẫn phát triển khoẻ mạnh.
Nông dân Sylvanus cho biết rằng lần đầu trồng đậu đũa cách đây 45 năm, ông không cần phải phun thuốc trước khi thu hoạch. “Sau đó, loại sâu Maruca đục lỗ trên vỏ đậu bắt đầu xuất hiện… chúng tôi phải phun thuốc gần như đến cuối vụ… Việc phun thuốc chiếm khoảng ¼ phần lợi nhuận mà cây này có thể mang lại”. Nhưng ông Sulvanus cho biết với giống đậu đũa BĐG thì “yêu cầu phun ít hơn so với những loại đậu khác mà chúng tôi đang xử lý. Và cây đạt mức trưởng thành nhanh hơn… Nhờ đó chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn… Sản lượng đủ để đáp ứng nhu cầu. Giờ đây tôi có thể tận hưởng thành quả từ chính sức lao động của mình”.
Ảnh: Người nông dân Nigeria khoe cây đậu đũa BĐG khoẻ mạnh và ra hoa của mình (Nguồn: Genetic Literacy Project)
Giảm bớt lượng nhân công và sự vất vả
Chính phủ Nigeria là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép thương mại giống đậu đũa kháng sâu đục quả (PBR cowpea) với tên gọi trên thị trường là SAMPEA-20T vào tháng 12 năm 2019. Quyết định này cho phép một số nông dân có thể gieo trồng rộng rãi từ cuối năm 2020.
Ông Jamilu Mohammed Ahmed, người trồng đậu đũa và các loại cây trồng khác ở bang Kaduna, chia sẻ với Alliance for Science rằng “số lượng nhân công và những vất vả trong canh tác” đã được giảm bớt sau khi có quyết định cho phép trồng đậu đũa BĐG.
Nông dân trồng đậu đũa truyền thống gần như tuần nào cũng phải gánh rất nhiều xô nước từ nhà của họ hoặc các dòng suối gần đó, rồi mang đến trang trại của mình để trộn với thuốc BVTV mà họ mua với giá cao. Vì những nông dân lớn tuổi không thể làm những công việc chân tay nặng nhọc như vậy nên họ phải thuê nhân công làm thay.
Ông Ahmed cho biết: “Một số nông dân địa phương được thuê để phun thuốc trên đồng ruộng không sử dụng khẩu trang khi làm việc. Và điều đó khiến sức khỏe của họ có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng…”
“Việc sử dụng giống đậu này (đậu đũa BĐG) không cần hoặc cùng lắm là cần một lần phun thuốc, giúp tạo ra được một nguồn thu hợp lý.” Ông cho biết thêm: “Giống đậu này được đánh giá rất tốt, và chúng tôi đã có một vụ mùa bội thu… Thành thật mà nói, giống cây này mang lại năng suất sản lượng cao hơn nhưng lại tiêu tốn nguồn đầu vào ít hơn.”
Với kinh nghiệm 25 năm trồng đậu đũa của mình, ông Ahmed cho biết ông chưa bao giờ nhận được kết quả tốt hơn những gì ông đã đạt được với giống đậu đũa kháng sâu đục quả này. Ông cho biết thêm: “Đây sẽ là một lợi thế bổ sung để sử dụng như một nguồn cung thay thế cho thực phẩm chứa protein cho cả người và gia súc.”
Anh Osman Yahyah Alhassan, một nông dân 19 tuổi ở bang Kano, chia sẻ với Alliance for Science rằng năng suất trên 0,9 héc-ta trang trại trồng đậu đũa của anh ấy đã tăng gấp đôi vào mùa trước nhờ giảm thiểu được sự tàn phá của sâu bệnh kể từ khi anh ấy bắt đầu trồng giống đậu đũa BĐG. Anh giải thích rằng: “Chúng tôi thu được 17 túi đậu kháng sâu đục quả. Trước đây chúng tôi chỉ thu được 9-11 bao trên cùng một diện tích đất đó.”
Giống đậu đũa BĐG Bt là gì?
Đậu đũa là một loại cây trồng ít được quan tâm (orphan crop) có chứa hàm lượng protein cao, được sử dụng bởi khoảng 200 triệu người ở Châu Phi mỗi ngày. Chúng thường được nấu chín và ăn kèm với các thực phẩm cung cấp carbohydrate như chuối và gạo. Nigeria là quốc gia sản xuất đồng thời cũng tiêu thụ đậu đũa lớn nhất châu Phi. Tuy nhiên mức thâm hụt sản lượng đậu đũa hàng năm của quốc gia này là hơn 500.000 tấn.
Có nhiều lý do khác nhau được cho là nguyên nhân dẫn đến sự thâm hụt này, trong đó có tác hại của sâu đục quả Maruca gây ra. Loài côn trùng này có thể khiến nông dân mất trắng cả một mùa vụ. Tuy vậy, với việc đưa thêm gen từ Bacillus thuringiensis (Bt) – một loại vi khuẩn có nguồn gốc tự nhiên – các nhà khoa học Nigeria đã có thể phát triển thành công một giống đậu đũa có khả năng chống lại sâu bệnh.
Tiến sĩ Issoufou Kollo, Điều phối viên khu vực Tây Phi của Tổ chức Công nghệ Nông nghiệp Châu Phi (AATF), một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ phát triển giống cây này, cho biết các phản ứng tích cực từ nông dân cho thấy Nigeria hiện đã sẵn sàng áp dụng các cải tiến trong sản xuất nông nghiệp nhằm tăng cường an ninh lương thực.
Ông chia sẻ: “Người dân Nigeria đã sẵn sàng để gieo trồng giống đậu đũa kháng sâu đục quả. Nông dân tại quốc gia này vô cùng yêu thích chúng. Không có một nông dân nào nhìn thấy chúng mà không thích cả. Kể từ năm ngoái, chúng tôi đã nhận được hơn một triệu nhu cầu sử dụng hạt giống đậu đũa BĐG từ nông dân.”
Giáo sư Mohammed Ishiyaku hiện đang là giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Nigeria, nơi đã phát triển giống cây này, dự đoán rằng nông dân và nền kinh tế Nigeria sẽ thu về nhiều lợi nhuận sau khi áp dụng gieo trồng giống cây BĐG này.
Ông cho biết: “Tiềm năng năng suất của giống mới này là 2,9 tấn/ha, trong khi nhiều giống khác có tiềm năng năng suất từ 1,9 đến 2 tấn/ha…Nếu trồng đậu đũa BĐG trên một triệu héc-ta diện tích đất, chúng tôi ước tính rằng Nigeria chắc chắn sẽ tiết kiệm được hơn 16 tỷ Naira (khoảng 40 triệu đô la Mỹ) chỉ tính riêng việc tiết kiệm chi phí thuốc BVTV … Và với lợi thế năng suất cây trồng lên tới 20%, nông dân sẽ mang lại lợi ích kinh tế khoảng 46 tỷ Naira (khoảng 112 triệu USD) hàng năm.”.
###
Bình luận