Nigeria đã bắt đầu tiến trình cho phép nhập khẩu lúa mì biến đổi gen (BĐG) với khả năng chịu hạn nhằm làm giảm giá thành lương thực vốn đang ở mức khá cao.
Tiến sĩ Rufus Ebegba, Tổng giám đốc của Cơ quan Quản lý An toàn Sinh học Quốc gia (NBMA) cho biết việc nhập khẩu lúa mì BĐG – một sản phẩm của Bioceres Crop Solutions (Agrentina) đã được cấp bằng sáng chế – có thể giúp tăng sản lượng của ngành lúa mì Nigeria vốn đang rơi vào tình trạng khó khăn một cách nghiêm trọng.
Ảnh: Nigeria đang chuyển sang sử dụng các sản phẩm CNSH thích ứng với biến đổi khí hậu để giúp bổ sung sản lượng lúa mì còn thiếu cũng như giảm chi phí nhập khẩu (Nguồn: Alliance for Science)
Lúa mì là loại ngũ cốc được tiêu thụ nhiều thứ ba ở Nigeria sau ngô và gạo. Có khoảng 200 triệu người tại quốc gia này sử dụng lúa mì để sản xuất bột mì, mì ống, bột báng, mì sợi, bột lúa mì và bánh quy.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia (National Bureau of Statistics – NBS), hàng năm Nigeria chỉ sản xuất được 60.000 tấn so với nhu cầu tiêu thụ lúa mì khoảng từ 4,5 đến 5,0 triệu tấn, dẫn đến mức nhập siêu lớn. Nigeria nhập khẩu phần lớn lúa mì từ Nga và các nước khác xung quanh Biển Đen, nhưng cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine đã dẫn đến việc tăng giá các sản phẩm làm từ lúa mì, chẳng hạn như bánh mì – thực phẩm được dùng làm bữa ăn nhanh cho hầu hết các hộ gia đình ở Nigeria.
Ông Ernest Okoli, một chủ tiệm bánh mì mở tại Abuja, cho biết giá lúa mì tăng cao đã khiến giá bánh mì tăng chóng mặt. Ông cho biết rằng, nếu chính phủ không sớm có chính sách can thiệp và giảm giá lúa mì, thì hầu hết các cửa hàng bánh mì sẽ phải ngừng hoạt động vì họ không thể hòa vốn với giá lúa mì cao như vậy.
Trước tình hình đó, Nigeria đang chuyển sang sử dụng các sản phẩm công nghệ sinh học (CNSH) thích ứng với biến đổi khí hậu để giúp bổ sung sản lượng lúa mì còn thiếu cũng như giảm chi phí nhập khẩu.
Tiến sỹ Ebegba cho biết NBMA đã bắt đầu quy trình lấy ý kiến của công chúng về hồ sơ đăng ký của Trigall Genetics S.A. cho tới ngày 11/7/2022. Ông chia sẻ với Trang tin Alliance for Science rằng, việc xin phép nhập khẩu là để Nigeria có thể nhập khẩu lúa mì BĐG để làm thực phẩm và chế biến, không phải để canh tác.
Nigeria đã thương mại hóa cây lương thực BĐG đầu tiên của họ, đậu đũa kháng sâu đục quả (PBR) và trước đó là bông Bt kháng sâu bệnh. Nước này cũng đã phê duyệt việc nhập khẩu ngô BĐG để làm thực phẩm và chế biến. Việc cho phép nhập khẩu lúa mì BĐG sẽ càng đẩy mạnh vai trò của Nigeria với tư cách là quốc gia dẫn đầu châu lục trong lĩnh vực CNSH nông nghiệp.
Tiến sĩ Raquel Chan, nhà khoa học người Argentina khởi xướng hành trình của lúa mì BĐG, chia sẻ với trang Alliance for Science rằng lúa mì BĐG với khả năng chịu hạn đang gây xôn xao khắp thế giới đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngũ cốc toàn cầu gia tăng cũng như tình trạng thiếu lương thực do chiến tranh Nga-Ukraine gây ra.
Tiến sỹ Chan giải thích rằng, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ là bước khởi đầu cho sự phát triển của bất kỳ sản phẩm BĐG nào. Bà cũng nhấn mạnh rằng các sản phẩm BĐG cần thông qua nhiều quá trình đánh giá nghiêm ngặt theo quy định trước khi được cấp phép an toàn sử dụng.
Bà cho biết: “Quy trình cấp phép này kéo dài với nhiều yêu cầu liên quan tới thử nghiệm diện hẹp và diện rộng tại nhiều điểm và qua nhiều đợt. Các sinh vật BĐG (GMO) phải chứng minh rằng chúng không gây ảnh hưởng đến môi trường, động vật hay sức khỏe con người.”
Nhằm chứng thực cho tuyên bố của mình, tiến sỹ Ebegba cũng chỉ ra rằng mặc dù NBMA chưa nhận được bất kỳ ý kiến nào từ công chúng, nhưng có vẻ như các nhà phát triển sản phẩm đã tham gia vào các quy trình nghiêm ngặt trước khi tiến hành thương mại hoá ở Argentina.
Ông nói: “Mặc dù lúa mỳ BĐG được dùng để sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và chế biến, chúng tôi cũng xem xét các đánh giá rủi ro liên quan đến môi trường và an toàn thực phẩm. Và tất cả những đánh giá này cũng phù hợp với các điều kiện môi trường cho phép sử dụng.”
“Chúng tôi đã tiến hành phân tích đánh giá rủi ro. Nếu không có vấn đề gì nghiêm trọng, chúng tôi sẽ tiến hành cấp phép. Nếu chúng tôi có hoặc quan sát thấy những mối lo ngại nghiêm trọng, chúng tôi sẽ xem xét chúng một cách kỹ lưỡng hơn.” Tiến sỹ Ebega giải thích rằng, nếu không có các chiến lược quản lý để giải quyết những lo ngại đó, thì việc cấp phép sẽ không được phê duyệt. “Cho đến nay, với các dữ kiện đã được trình bày một cách đầy đủ, tôi nghĩ rằng việc đánh giá rủi ro đã được tiến hành một cách phù hợp.”
Ông cũng cho biết: Nếu lúa mì BĐG nhận được sự đồng thuận tích cực từ các cơ quan, thì ngày cấp phép cho việc nhập khẩu sản phẩm này sẽ được ấn định. Sau đó, việc nhập khẩu có thể bắt đầu nếu sau khi đáp ứng thêm các yêu cầu của các cơ quan chính phủ có thẩm quyền chịu trách nhiệm về các vấn đề biên giới.
“Việc nhập khẩu sẽ vẫn phải đáp ứng các điều kiện của các cơ quan khác như Hải quan Nigeria, Dịch vụ Kiểm dịch Nigeria và các cơ quan khác để nhập khẩu các sản phẩm tương tự”, ông cho biết thêm.
Bình luận