Các thành viên của Hiệp hội Giống cây trồng Quốc tế (ISF) đang kêu gọi cần thực thi những quy định pháp lý hài hòa đối với các công nghệ lai tạo giống cây trồng mới, chẳng hạn như công nghệ chỉnh sửa gen nhằm phát huy tối đa giá trị và lợi ích của những công nghệ này.
Theo báo cáo của AgTechNavigator, người phát ngôn của ISF cho biết “Điều quan trọng là những quy định đối với những công nghệ cải tiến về lai tạo giống cây trồng phải dựa trên những đánh giá rủi ro tương xứng, khoa học và có khả năng thích ứng, linh hoạt để phù hợp với sự phát triển ngày càng nhanh về công nghệ cũng như những ứng dụng của các công nghệ này.”
Theo ISF, các chính sách quản lý nhất quán sẽ có tác động lớn đến việc nghiên cứu liên tục và khuyến khích các nhà chọn tạo giống cây trồng tiếp tục tạo ra những giống cây tốt hơn bằng cách áp dụng tất cả các kỹ thuật sẵn có. Điều này không chỉ giúp đỡ nông dân trên toàn thế giới mà còn mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Thông qua những kỹ thuật như chỉnh sửa gen hay CRISPR, các nhà chọn tạo giống đang tạo ra nhiều thế hệ cây trồng mới. Trong 10- 20 năm tới, công nghệ này sẽ đẩy nhanh tốc độ của quy trình lai tạo một cách đáng kể, tạo ra nhiều loại cây trồng mới giúp giải quyết những thách thức từ biến đổi khí hậu và an ninh lương thực. Theo chia sẻ của ISF, những kỹ thuật lai tạo giống mới sẽ giúp tạo ra những loại trái cây và rau quả chịu hạn; những nông sản phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng như xà lách không bị thâm và các loại quả không hạt, từ đó góp phần giảm lãng phí thực phẩm.
Kỳ vọng những đột phá về lai tạo giống cây trồng
Trong khi rất nhiều quốc gia đang nỗ lực tạo ra khung pháp lý rõ ràng và hiệu quả để thúc đẩy những công nghệ lai tạo giống hiện đại, thì tình trạng pháp lý chung đối với các công nghệ này trên thế giới vẫn khá rời rạc và có sự khác biệt giữa các quốc gia. Trong một khảo sát gần đây, 75% số người được hỏi bày tỏ sự lo ngại về những hệ thống pháp lý không đồng nhất giữa các quốc gia sẽ gây ra rủi ro lớn cho ngành giống cây trồng và hạn chế ngành này trong việc hỗ trợ an ninh lương thực toàn cầu. Nhưng cũng trong khảo sát này, hơn một nửa số người được hỏi tin rằng, khả năng cao là một khung pháp lý hài hoà sẽ được triển khai trong 2 thập kỷ tới. Hơn 90% người được hỏi kỳ vọng rằng những đổi mới công nghệ sẽ giúp tạo ra những giống cây trồng có khả năng thích ứng và phục hồi tốt hơn với điều kiện môi trường thay đổi trong 2 thập kỷ tới.
Những kỹ thuật lai tạo mới cũng sẽ giúp các nhà chọn tạo giống tạo ra những giống cây có tính chống chịu khỏi các loại dịch hại mới đang xuất hiện ngày càng nhiều do nhiệt độ tăng và nhiều hình thái thời tiết cực đoan. Những công nghệ mới như AI (Trí tuệ Nhân tạo), Cảm biến Internet vạn vật (Internet of Things), thiết bị bay không người lái (drone), và phân tích dữ liệu sẽ thúc đẩy những phương pháp tiếp cận có mục tiêu hơn nhằm theo dõi và cải thiện sức khoẻ cây trồng. Tất cả nhữn công nghệ này sẽ giúp giảm nguyên liệu canh tác đầu vào, hạn chế tác động tiêu cực từ canh tác nông nghiệp lên môi trường và cho phép các phương pháp trồng trọt chính xác hơn dựa trên dữ liệu thực…
Hài hoà quy định để thúc đẩy thương mại và vận chuyển hạt giống cây trồng
Một vấn đề khác được nêu ra đó là việc hài hoà khung pháp lý cần bao gồm cả những quy định về vận chuyển và thương mại hạt giống cây trồng trên toàn cầu. Bên cạnh việc đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, những quy định này cần hạn chế tối đa những gián đoạn thương mại có thể phát sinh vì bất cứ gián đoạn đều sẽ có tác động trực tiếp lên an ninh lương thực và hạn chế nông dân tiếp cận các nguồn giống cây trồng có chất lượng.
Tuy nhiên, hiệ có khoảng hơn 300 mặt hàng giống cây trồng đang được vận chuyển trên toàn cầu và có khoảng hơn 180 quốc gia với cơ quan phụ trách về kiểm dịch thực vật tham gia và quá trình này. Mỗi năm, ước tính sẽ có hàng triệu Chứng nhận Kiểm dịch Thực vật được trao đổi giữa các quốc gia để cho phép xuất – nhập khẩu hạt giống cây trồng. Để quy trình này được diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn, ISF kêu gọi các nước triển khai giải pháp e-Phyto của IPPC – một quy trình chứng nhận số hoá, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả các cơ quan kiểm dịch thực vật và các công ty; đồng thời hạn chế những yêu cầu của việc tiến hành lặp đi lặp lại các thử nghiệm giống nhau.
===
Bình luận