Chẳng bao lâu nữa các hộ gia đình ở Philippines sẽ được thưởng thức những hạt Gạo vàng đầu tiên – loại gạo có thể giúp 190 triệu trẻ em trên thế giới khỏi nguy cơ mắc bệnh thiếu hụt vitamin A, các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu chảy, sởi và quáng gà.
Bước tiến trong nghiên cứu lúa gạo được cộng đồng khoa học ủng hộ
Theo ông Emil Q. Javier – nhà khoa học Quốc gia và cũng là người sáng lập Viện Giống cây trồng cho biết, việc chính phủ phê duyệt việc canh tác Gạo Vàng là một bước tiến được hoan nghênh và mong chờ từ lâu trong cộng đồng khoa học.
Gạo Vàng là một giống gạo được tạo ra từ công nghệ biến đổi gen và có tính trạng được chọn tạo một cách đặc biệt, có chứa beta carotene – nguồn gốc của vitamin A – nguồn dinh dưỡng thiết yếu mà con người không thể tự sản xuất và cũng không thể sống thiếu. Đây là giống gạo đầu tiên trong giới khoa học có các gen chứa beta carotene được hợp nhất nhờ vào kỹ thuật di truyền; nguồn gốc của các gen beta carotene này đến từ một loại cây trồng ăn được có họ hàng xa với gạo là ngô vàng.
Tiến sĩ Nina Gloriani, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Công cộng của trường Đại học Philippines, Manila cho biết: “Chúng tôi đã mong chờ Gạo Vàng được phê duyệt từ rất lâu.”
Giấy phép canh tác Gạo Vàng cuối cùng đã được Cục Công nghệ Thực vật cấp sau khi đơn vị bảo trợ – Viện Nghiên cứu Lúa Gạo Philippines (PhilRice) đã hoàn tất một loạt các yêu cầu đánh giá nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm và an toàn sinh học. Quy định nghiêm ngặt này được đưa ra bởi Thông tư liên Bộ do 5 Bộ ban hành là Bộ Khoa học và Công nghệ (DOST), Bộ Nông nghiệp (DA), Bộ Tài nguyên và Môi trường (DENR), Bộ Y tế (DOH), Bộ Nội vụ và Chính quyền địa phương (DILG).
Tình trạng thiếu hụt Vitamin A tại Philippines
Việc thiếu hụt vitamin A có thể khiến con người, đặc biệt là trẻ em, tăng nguy cơ mắc các bệnh đường về hô hấp, tiêu chảy, sởi, quáng gà, điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và tử vong. Tình trạng thiếu hụt vitamin A (vitamin A deficiency – VAD) hiện vẫn đang là mối quan tâm chính về dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng ở các quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình, bao gồm cả Philippines và nó ảnh hưởng đến khoảng 190 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.
Theo chia sẻ của tiến sĩ Gloriani, Philippines đã có những thành công đáng kể trong việc chống lại bệnh thiếu hụt vitamin A trong những năm qua. Từ năm 2003 đến năm 2008, tỷ lệ thiếu hụt vitamin A ở trẻ đã được giảm từ 40% xuống 17% (theo DOST-FNRI, 2021). Tuy nhiên, cứ trong 5 trẻ em nghèo nhất ở Philippines, thì tỷ lệ thiếu hụt vitamin A vẫn ở mức cao không thể chấp nhận được là 26%. Ngoài ra, những số liệu này không hề xuất hiện bất kì sự thay đổi nào giữa năm 2008 và 2018; điều này chứng minh rằng còn rất nhiều việc cần phải được thực hiện.
Cuộc khảo sát dinh dưỡng quốc gia vào năm 2019 thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Thực phẩm và Dinh dưỡng, Bộ Khoa học và Công nghệ (FNRI-DOST) cho biết chỉ có 2/10 hộ gia đình ở Philippines đáp ứng được mức vitamin A trung bình ước tính.
Một số giải pháp có thể được đưa ra là sử dụng giống Gạo Vàng, bởi theo kết quả đến từ các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm thực tế đã chỉ ra rằng một chén cơm từ Gạo Vàng có thể cung cấp cho trẻ mầm non từ 30–42% lượng Vitamin A trung bình ước tính. Vì beta caroten được tổng hợp tự nhiên trong hạt Gạo Vàng nên người mua không phải mất thêm bất cứ chi phí và công sức nào, đây được xem là một lợi ích đáng kể đối với các hộ gia đình nghèo.
Tiềm năng ứng dụng
Tiến sĩ Eufemio T. Rasco, Jr. – Chủ tịch Ban Khoa học Nông nghiệp của Học viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia cho biết việc tạo ra Gạo vàng mất rất nhiều thời gian (hơn 20 năm) vì gen beta carotene từ ngô vàng phải được cấy hoàn toàn vào các giống lúa phổ biến mà nông dân hay gieo trồng.
Giống Gạo Vàng mới phải cho ra năng suất cao, có khả năng chống được sâu bệnh, phù hợp với các điều kiện sinh trưởng khác nhau và cũng phải ngon, nếu không nông dân sẽ không lựa chọn để gieo trồng. Gạo Vàng khi được nấu chín trông rất giống với món paella – một món cơm rất phổ biến ở Tây Ban Nha, và được các đầu bếp Philippines coi như một phần của ẩm thực Philippines.
Tiến sĩ Reynante Ordonio, chuyên gia về lúa gạo, cho biết đầu tiên PhilRice sẽ xúc tiến việc nâng cấp phiên bản của giống Gạo Vàng của hai loại đã đăng ký – PSBRc 82 và NSICRc 283.
Vì các gen beta caroten trong Gạo Vàng thường xuyên được áp dụng trong các chương trình chọn tạo giống lúa quốc gia, nhiều giống lai cận huyết và giống lai pha trộn dự kiến sẽ được áp dụng trong tương lai ở các khu vực Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, nơi xuất hiện tình trạng thiết hụt vitamin A trầm trọng và cũng là nơi sử dụng gạo là lương thực chính.
Nhà khoa học quốc gia Javier cũng khẳng định thêm rằng giống Gạo Vàng được xem như một sự lựa chọn bổ sung. Tuy không phải là giải pháp thay thế duy nhất cho các chương trình xóa bỏ tình trạng thiếu hụt vitamin A đang hiện có, nhưng Gạo vàng nên được bổ sung thêm vào chế độ ăn uống, cho những bà mẹ đang cho con bú để bổ sung vitamin A, cũng như sử dụng trong những loại thực phẩm tăng cường dinh dưỡng như bột, dầu ăn, đường, sữa và các sản phẩm khác.
Với giống Gạo Vàng, một giải pháp giàu dinh dưỡng từ tự nhiên và không tốn phí đã được tạo ra cho người tiêu dùng – đây cũng là đáp án có tính lâu dài cho nguyên nhân của việc thiếu hụt vitamin A ở nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới.
###
Bình luận