Ngày 2/12/2021, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VI chủ đề: “Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp” được tổ chức tại Hà Nội. Diễn đàn do Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT chủ trì, giao báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức.
Tiến sỹ Tan Siang Hee, Giám đốc Điều hành CropLife Châu Á đã tham gia và có bài tham luận về mức độ quan tâm của nông dân Việt Nam với nông nghiệp số, những khó khăn của nông hộ quy mô nhỏ và các giải pháp đề xuất để hỗ trợ nông dân tiếp cận và làm chủ công nghệ mới trong đó có chuyển đổi sang nông nghiệp số.
Đây là sự kiện thường niên nằm trong khuôn khổ Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam năm 2021 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt là đơn vị tổ chức.
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 6 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, nhà khoa học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 để cùng trao đổi về bức tranh chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay, thảo luận những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp; vai trò, vị trí của nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp, những khuyến nghị của các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, chuyên gia đối với quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Vào quý 1 năm 2021, trong một khảo sát được thực hiện bởi CropLife Châu Á, khi hỏi 130 nông dân trồng lúa, cây ăn quả và rau của Việt Nam, có 42% trong số họ cho biết họ muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp. Nếu nhìn nhận đây là một tỷ lệ chưa cao, thì có thể đó là dấu hiệu cho thấy nông dân trong nước có thể tò mò nhưng không thực sự chắc chắn về số hóa là gì và làm thế nào để nắm bắt. Tuy nhiên nếu nhìn ở một góc độ khác, khi so với 3 quốc gia ASEAN trong cùng khảo sát, Việt Nam là nước có tỷ lệ cao nhất. Vì vậy, có thể thấy rằng nông dân Việt Nam quan tâm đến số hóa nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trong khu vực.
Cũng theo khảo sát, trong số các giải pháp nông nghiệp số được đưa ra, nông dân Việt Nam quan tâm tới ứng dụng hình ảnh vệ tinh để xác định loài sâu hại/ tình trạng đất… nhiều nhất (71%), theo sau là các dịch vụ nông nghiệp (69%) và công nghệ chỉ dẫn GPS (64%)….
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, tác động của dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân từ mua sắm theo kênh truyền thống sang mua hàng trực tuyến qua các sàn TMĐT.
Đến tháng 11/2021, thông qua sự hỗ trợ của các bộ ngành chức năng và các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử, đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa các sàn TMĐT và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện. Điều đó cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, với đặc thù canh tác ở quy mô nhỏ, nông dân trong nước vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật số trong nông nghiệp nói riêng và nông nghiệp công nghệ cao nói chung từ hạn chế nguồn lực canh tác đầu vào trong sản xuất, cho tới các rủi ro trong quá trình lưu trữ, lưu thông…. Đặc biệt đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu với ngày càng nhiều các diễn biến thời tiết bất thường đang làm trầm trọng thêm những thách thức hiện tại, dẫn đến những hệ luỵ tiêu cực và hạn chế các cơ hội của hàng triệu nông dân.
Ảnh 3: Tiến sỹ Tan Siang Hee trình bày tại Diễn đàn
Việc tiếp cận và sử dụng bền vững các công cụ nông nghiệp số, các cải tiến khoa học trong nông nghiệp sẽ là một chiến lược quan trọng giúp những nông dân canh tác nhỏ có thể sản xuất được nhiều hơn nhưng với nguồn lực ít hơn (more from less). Do đó, nông dân cần phải ở vị trí trung tâm trong quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, họ cần phải được trang bị kịp thời kiến thức, kỹ năng và tư duy canh tác mới để nắm bắt các công nghệ mới và sử dụng công nghệ một cách hiệu quả và bền vững.
Cũng tại bài tham luận, Tiến sỹ Tan Siang Hee đã đề xuất một số các giải pháp cơ bản để hỗ trợ nông dân làm chủ công nghệ số trong nông nghiệp như: hợp tác chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng và trình độ tiếp cận công nghệ cho nông dân; trao thêm quyền cho khối tư để thúc đẩy đầu tư và nghiên cứu tại thị trường trong nước…
Ngoài ra, hệ thống chính sách, quy định cần được phát triển và thực thi song song với tốc độ phát triển công nghệ (ví dụ: quy định cho Drone, phê duyệt sử dụng cây trồng công nghệ sinh học với các tính trạng cải tiến hơn như khả năng chịu hạn, các sản phẩm thuốc BVTV có thể phun bằng Drone và máy phun ULV…); các chính sách nên dựa vào nền tảng khoa học và cho thấy mức độ linh hoạt để việc quản lý và sử dụng phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi khu vực; ngoài ra việc hài hoà hoá các quy định của Việt Nam với các nước sẽ giúp đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ cũng như thúc đẩy thương mại nông sản ngoài biên giới.
Trong những năm qua, Hiệp hội CropLife và các công ty thành viên đã phối hợp với Chính phủ và các cơ quan quản lý trong nước giới thiệu và hỗ trợ nông dân ứng dụng các giải pháp khoa học trong nông nghiệp. Một số các dự án tiêu biểu như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp để tăng năng suất và giúp cây trồng có khả năng thích ứng cao với dịch hại và điều kiện khí hậu bất lợi; giới thiệu những sản phẩm, giải pháp bảo vệ thực vật tiên tiến cũng như tiến hành các lớp tập huấn để nông dân có thể sử dụng các sản phẩm đó một cách có trách nhiệm trong suốt 10 năm qua. Bên cạnh đó, CropLife Việt Nam đã và đang hợp tác chặt chẽ với Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) để hoàn thiện các cơ sở dữ liệu trực tuyến các sản phẩm BVTV cũng như những ứng dụng tra cứu trực tuyến giúp nông dân có thể dễ dàng tìm kiếm, nhận dạng thuốc BVTV và có các hướng dẫn sử dụng sản phẩm trên các cây trồng cụ thể.
Từ năm 2019 trở lại đây, các công ty thành viên của CropLife cũng là những đơn vị tiên phong triển khai các mô hình thí nghiệm sử dụng máy bay không người lái (drone) để phun thuốc BVTV trên một số cây trồng. Công nghệ Drone/ UAV tích hợp nhiều kỹ thuật như lên bản đồ (mapping), theo dõi tình hình phát triển của cây trồng và các vấn đề cây trồng gặp phải, vận hành phun thuốc, giám sát hoạt động tưới tiêu cho cây cũng như chăn thả gia súc.
Từ những kết quả bước đầu qua các mô hình thử nghiệm trên lúa và một số cây ăn quả, việc ứng dụng drone để phun thuốc BVTV tại Việt Nam đã cho thấy các ưu điểm nổi bật như: giảm công lao động; giảm thời gian phun, giảm lượng nước sử dụng và đặc biệt là giảm thời gian tiếp xúc trực tiếp với thuốc trong quá trình chuẩn bị và phun thuốc trong khi vẫn đảm bảo được hiệu quả, độ phủ và mức độ bảo vệ cây trồng cao.
Bình luận