Trong thập kỷ vừa qua, chỉnh sửa gen và các đột phá khác trong sinh học phân tử đã mở đường cho những kỹ thuật cải tiến gen mới. Những kỹ thuật này không tạo ra kết quả khác biệt so với những kỹ thuật trước đó. Nhưng chúng cho phép các nhà khoa học đạt được kết quả tương tự một cách nhanh chóng, dễ dàng và chính xác hơn nhờ kiến thức sâu rộng hơn và khả năng kiểm soát đầu ra hiệu quả hơn.
Những kỹ thuật chỉnh sửa gen này hiện đang nhận được sự quan tâm trên toàn cầu. Nhiều câu hỏi được đặt ra về vấn đề pháp lý xoay quanh cây trồng chỉnh sửa gen. Các quy định về cây trồng biến đổi gen (GM) (BĐG) có áp dụng cho cây trồng chỉnh sửa gen (GE) hay không? Một số quốc gia đã thiết lập các hướng dẫn pháp lý đối với các cải tiến trong lai tạo giống cây trồng (PBI), và những hướng dẫn này được tóm tắt trong Bản tóm tắt số 56 của ISAAA, xuất bản tháng 12 năm 2021.
Từ đó, các quốc gia khác tại châu Á, châu Phi, châu Âu cũng thiết lập các hướng dẫn pháp lý đối với PBI. Một số nội dung cập nhật này được mô tả trong bảng đồ hoạ thông tin (infographic) về “Bối cảnh pháp lý toàn cầu đối với cây trồng chỉnh sửa gen”, trong đó có một số cây trồng được lai tạo thông qua phương pháp CRISPR và TALENs. Dưới đây là thông tin chi tiết.
Châu Á
Năm 2020, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã hoàn thiện bản hướng dẫn pháp lý, trong đó nêu rõ rằng cây trồng và thực phẩm chỉnh sửa gen có thể được bán cho người tiêu dùng mà không cần đánh giá về độ an toàn, miễn là các kỹ thuật liên quan đáp ứng các tiêu chí nhất định. Quy trình này tương tự với quy trình được áp dụng tại Hoa Kỳ, nhưng các nhà phát triển phải gửi thông báo cho chính phủ. Vào ngày 15 tháng 9 năm 2021, công ty TNHH Sanatech Seed cùng đối tác là công ty TNHH Pioneer EcoScience đã bắt đầu bán thương mại giống cà chua chỉnh sửa gen với hàm lượng axit gamma-aminobutyric (GABA) cao hơn có tên là Sicilian Rouge High GABA. Giống cà chua này được tạo ra bằng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9 nhằm tăng hàm lượng GABA, một loại axit amin được cho là giúp thư giãn và giúp hạ huyết áp. Được phát triển với sự hợp tác của Đại học Tsukuba, Sicilia Rouge High GABA là giống cà chua chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới.
Vào ngày 20 tháng 3 năm 2023, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi và Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đã bật đèn xanh cho giống ngô có hàm lượng tinh bột cao. Đây là sản phẩm chỉnh sửa gen thứ tư tại Nhật Bản không đi theo khung pháp lý đối với cây trồng BĐG.
Ngày 30 tháng 3 năm 2022, Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi Khí hậu của Ấn Độ công bố các cây trồng chỉnh sửa gen không có gen ngoại lai sẽ không cần tuân thủ các quy định đối với cây trồng BĐG. Bản ghi nhớ nêu rõ: “Các sản phẩm được chỉnh sửa gen theo phương pháp SDN1 và SDN2 không chứa DNA ngoại lai được miễn đánh giá an toàn sinh học theo Quy tắc 20 về Sản xuất, Sử dụng, Nhập khẩu, Xuất khẩu và Lưu trữ các vi sinh vật/sinh vật BĐG có nguy cơ hoặc Quy tắc Tế bào năm 1989”. Hướng dẫn cuối cùng về đánh giá an toàn đối với cây trồng chỉnh sửa gen được ban hành ngày 17 tháng 5 năm 2022. Hướng dẫn có vai trò thúc đẩy lộ trình cho sự phát triển và ứng dụng bền vững của công nghệ chỉnh sửa gen, bao gồm các khung pháp lý cần thực hiện để giới thiệu các loại cây trồng chỉnh sửa gen ra thị trường.
Vào ngày 19 tháng 5 năm 2022, Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) đã công bố các quy tắc và thủ tục đánh giá các sản phẩm từ PBI. Những quy định này, được ghi tại Thông tư số 08/2022 (MC8), đã cung cấp một quy trình hiệu quả và khoa học để đánh giá và xác định xem cây trồng chỉnh sửa gen có được coi là cây trồng BĐG hay không. Tháng 4 năm 2023, Cục Công nghiệp Cây trồng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Philippines đã quyết định chuối giảm chuyển màu của Tropic không phải là sản phẩm BĐG. Đây là sản phẩm chỉnh sửa gen đầu tiên thông qua quy trình quản lý chỉnh sửa gen tại Philippines.
Châu Âu
Tại Lễ khai mạc Quốc hội ngày 10 tháng 5 năm 2022, Nữ hoàng Elizabeth II công bố trong bài phát biểu của mình về việc thành lập Dự luật Công nghệ Di truyền (Nhân giống chính xác) để khuyến khích đổi mới nông nghiệp và khoa học ở Vương quốc Anh (UK). Dự luật Lai tạo Cây trồng Chính xác được Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn (Defra) bảo trợ và được nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức khoa học ở Anh hoan nghênh. Ngày 25 tháng 5 năm 2022, Dự luật Lai tạo Chính xác đã được trình lên Nghị viện. Sau đó, Dự luật được trình lên Thượng Nghị viện vào tháng 11 năm 2022 sau lần phê chuẩn thứ ba tại Hạ Nghị viện vào ngày 31 tháng 10. Vào ngày 3 tháng 2 năm 2023, Dự luật đã thông qua lần phê chuẩn thứ ba và cũng là lần cuối cùng tại Thượng Nghị viện mà không có sửa đổi gì thêm và đã được chuyển đến Hạ Nghị viện để xem xét các sửa đổi trước đó của Thượng Nghị viện. Sau sự kiện mang tính lịch sử khi cả hai Viện đều thống nhất nội dung của Dự luật, Dự luật Lai tạo Chính xác đã nhận được sự chấp thuận của Hoàng gia ngày 23 tháng 3 năm 2023 và chính thức trở thành đạo luật của Nghị viện Anh.
Ngày 5 tháng 7 năm 2023, Ủy ban Châu Âu đưa ra đề xuất về Công nghệ chỉnh sửa gen (NGT) và Vật liệu nhân giống cây trồng (PRM). Đề xuất này được Đại hội đồng Liên minh Châu Âu đề xuất từ năm 2019, đề xuất rằng cây trồng có nguồn gốc từ đột biến gen và cisgenesis có chủ đích phải được phân loại riêng với các cây trồng BĐG và cũng đưa ra quy trình thông báo cho những loại cây trồng nhóm 1 “giống cây truyền thống” để xác nhận tình trạng pháp lý của chúng.
Cuối tháng 7 năm 2023, các Bộ trưởng Nông nghiệp của Châu Âu đã có cuộc họp đầu tiên để thảo luận về đề xuất của Ủy ban. Cuộc thảo luận cho thấy nhiều bộ trưởng hoan nghênh đề xuất nới lỏng các quy định chỉnh sửa gen của Ủy ban như nền tảng cho canh tác bền vững, trong khi số còn lại bày tỏ sự quan ngại về những rủi ro tiềm ẩn. Vào đầu tháng 12, các Bộ trưởng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về công nghệ chỉnh sửa gen. Nhiệm kỳ làm Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu của Tây Ban Nha với mục tiêu đạt được thống nhất về các đề xuất liên quan đến quy định chỉnh sửa gen của Hội đồng trong cuộc họp ngày 11 tháng 12 sẽ kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2023, tuy nhiên đề xuất này không đạt được đa số phiếu ủng hộ cần thiết. Ngày 24 tháng 1 năm 2024, Ủy ban Môi trường của Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu về đề xuất công nghệ chỉnh sửa gen.
Châu Phi
Tháng 9 năm 2021, trong Hội nghị chuyên đề về truyền thông khoa học sinh học hai năm một lần ở Châu Phi (ABBC 2021), Liên minh Truyền thông về Chỉnh sửa bộ gen Châu Phi đã được thành lập. Liên minh là một nền tảng để thúc đẩy đối thoại cởi mở và minh bạch về chỉnh sửa bộ gen ở lục địa này.
Ngày 10 tháng 2 năm 2022, Cơ quan Quản lý An toàn Sinh học Quốc gia Nigeria (NBMA) đã công bố hướng dẫn pháp lý quốc gia về chỉnh sửa gen và phân phát bản in của hướng dẫn này cho công chúng. Tổng Giám đốc/Giám đốc điều hành của NBMA, Tiến sĩ Rufus Ebegba, nhấn mạnh những cống hiến của NBMA trong việc đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm chỉnh sửa gen ở Nigeria đều được quản lý hợp lý. Hướng dẫn nêu rõ rằng các sản phẩm chỉnh sửa gen không được coi là BĐG do không chứa DNA ngoại lai nên có thể không cần phải áp dụng quy trình đánh giá an toàn sinh học như cây trồng BĐG.
Sau Nigeria, Kenya trở thành quốc gia châu Phi thứ hai công bố hướng dẫn pháp lý về công nghệ chỉnh sửa gen vào tháng 3 năm 2022. Cơ quan an toàn sinh học quốc gia (NBA) đã công bố hướng dẫn này, đánh dấu một bước quan trọng hướng tới việc phát triển khung pháp lý về công nghệ chỉnh sửa gen ở nước này. Các hướng dẫn được công bố liệt kê chi tiết cây trồng chỉnh sửa gen nào và/hoặc sản phẩm có nguồn gốc nào sẽ được quản lý theo Luật An toàn Sinh học của Kenya và sản phẩm nào được quản lý như các giống cây trồng thông thường.
Kenya với Cơ quan an toàn sinh học quốc gia là quốc gia duy nhất ở Châu Phi đưa ra 3 quyết định dựa trên Phương pháp Tham vấn Sớm về Hướng dẫn Chỉnh sửa Gen. Các quyết định này bao gồm việc chỉnh sửa vi khuẩn cố định nitrogen để kết hợp với các loại cây không thuộc họ đậu, giúp cây trồng tăng khả năng cố định nitrogen, tăng khả năng kháng bệnh chết ngô ở ngô và kháng cỏ Striga ở lúa miến.
Tháng 8 năm 2022, Malawi đã thông qua Hướng dẫn Chỉnh sửa gen, đánh dấu một bước quan trọng hướng tới trong việc thúc đẩy môi trường pháp lý hỗ trợ an toàn sinh học trong nước. Các hướng dẫn chỉ đạo việc xem xét và đánh giá các ứng dụng cũng như sản phẩm chỉnh sửa gen. Hướng dẫn cũng cung cấp quy trình các bước cần tuân thủ trong quản lý công nghệ và các sản phẩm chỉnh sửa gen, đồng thời xác định những sản phẩm nào được miễn trừ khỏi quy định về BĐG. Hướng dẫn nêu rõ rằng các sản phẩm có chứa tổ hợp DNA mới sẽ đi theo quy định BĐG.
Ngày 30 tháng 10 năm 2023, Cơ quan an toàn sinh học quốc gia Ghana (NBA) đã công bố Hướng dẫn chỉnh sửa gen nhằm cung cấp hướng dẫn về quy trình cho các đơn vị sản xuất cây trồng chỉnh sửa gen tiềm năng và/hoặc các sản phẩm có thể được quy định theo Đạo luật an toàn sinh học năm 2011 (Luật 831). Thông qua việc ban hành các hướng dẫn này, Ghana cùng với Nigeria, Kenya và Malawi đã trở thành quốc gia châu Phi thứ tư có hướng dẫn pháp lý được xác thực về công nghệ chỉnh sửa gen.
—-/—-
Bình luận