Ngành tài chính đang trong giai đoạn phục hồi. Các doanh nghiệp cho rằng việc ưu tiên hướng tới con người và hành tinh đều có thể đem lại thành công như nhau, thậm chí là thành công hơn so với các doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc lỗ hay lãi. Đó là lý do tại sao các nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới hiện nay đều đánh giá các công ty dựa trên các ưu tiên về Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp cũng như cách họ phân bổ nguồn vốn sao cho phù hợp.
Trên thực tế, đầu tư ESG đang nhanh chóng trở thành động lực thúc đẩy toàn bộ ngành tài chính. Hơn 120 tỷ đô la được đổ vào các khoản đầu tư bền vững vào năm 2021, tăng từ 51 tỷ đô la vào năm 2020, và tăng gấp 25 lần kể từ năm 1995.
EU sẽ sớm yêu cầu các công ty công khai tác động của họ đối với sự phát triển bền vững. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch đang xem xét các quy định tương tự đối với các nhà quản lý quỹ của Hoa Kỳ. Một nghiên cứu của Bloomberg dự đoán rằng đầu tư vào ESG có thể đạt đến 50 nghìn tỷ đô la vào năm 2025 – tương đương với một phần ba tổng số tài sản được quản lý trên thế giới.
Các nhà đầu tư có thể bị thu hút bởi các ngành công nghiệp xanh quen thuộc như xe điện, nhà sản xuất bảng điều khiển năng lượng mặt trời hay các thương hiệu có trách nhiệm xã hội rõ ràng như Salesforce.com. Tuy nhiên, rất nhiều trong số những khoản đầu tư ESG có giá trị nhất nằm trong các lĩnh vực cơ bản hơn như: các công ty phần mềm đã sử dụng trung tính carbon, các công ty quản lý chất thải tiên tiến và đặc biệt là các công ty đa lĩnh vực thuộc ngành khoa học sinh học.
Công nghệ sinh học (CNSH) không chỉ là về vắc-xin COVID-19 hay việc tìm kiếm các phương pháp chữa trị bệnh ung thư và bệnh Alzheimer. Ngành công nghiệp này cũng đang đi đầu trong việc nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu, phát triển các sản phẩm, kỹ thuật bền vững và thân thiện với môi trường trong các lĩnh vực như nông nghiệp và kiểm soát chất thải.
Trung tâm Joyn Bio, có trụ sở ở Boston, là liên doanh giữa công ty Bayer và Ginkgo Bioworks, tập trung vào việc nghiên cứu kỹ thuật nuôi cấy vi khuẩn có thể chiết xuất nitơ từ không khí và sau đó phân phối đến cây trồng, nhằm loại bỏ việc tiêu tốn nhiều năng lượng trong sản xuất, vận chuyển và ứng dụng của phân bón truyền thống.
Nhà sản xuất Danimer Scientific đang làm việc với các công ty sản xuất kẹo để sản xuất giấy gói có thể phân hủy sinh học được làm từ dầu thực vật. Một số công ty đang sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR để làm cho trái cây và rau quả có khả năng kháng bệnh tốt hơn và chống chịu tốt hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
AquaBounty, có trụ sở tại Massachusetts, đã phát triển các công nghệ nuôi trồng thủy sản tiên tiến nhằm tạo ra các trang trại nuôi cá hồi theo hướng bền vững một cách toàn diện trên đất liền; nó có thể được xây ở giữa Hoa Kỳ hoặc Canada, xa đại dương nhưng gần hơn với hàng triệu người tiêu dùng. Họ sẽ được hưởng lợi từ sản phẩm tươi hơn mà vẫn giảm thiểu tác động của carbon từ việc vận chuyển một cách đáng kể.
Các công ty khoa học sinh học đang sản xuất nhiên liệu phản lực từ tảo và dầu ăn đã qua sử dụng, phát triển công nghệ tính toán nhằm cắt giảm lượng carbon, đồng thời tiếp tục cải tiến các công nghệ thu và lưu giữ carbon nhằm bù đắp lượng CO2 đã thải ra.
Nhiều công ty đã tham gia vào lĩnh vực này trong vài năm qua. Living Ink có trụ sở tại Colorado gần đây đã ra mắt loại mực dệt và đóng gói được làm từ tảo, thay vì dầu mỏ. Mori, một công ty ở Boston, đã bắt đầu sử dụng protein tơ tằm để tạo ra các lớp bảo vệ có thể ăn được giúp thịt và sản phẩm tươi lâu hơn, đồng thời loại bỏ nhu cầu đóng gói bằng nhựa.
Các công ty này không được giao dịch công khai, vì vậy họ chưa tạo cơ hội cho tất cả các nhà đầu tư củng cố danh mục đầu tư ESG của họ. Nhưng đây chắc chắn là một dấu hiệu đáng mừng đối với họ.
Theo một báo cáo gần đây của BIO (Tổ chức Đổi mới CNSH), tới năm 2030 các sáng kiến xanh của CNSH có thể giảm thiểu tương đương với ba tỷ tấn khí thải CO2 mỗi năm – tương ứng với khoảng một nửa lượng khí thải hiện tại của Hoa Kỳ. BIO cũng cam kết về tính bền vững về mặt chính sách, đồng thời đã đệ trình một số khuyến nghị lên SEC nhằm giúp cơ quan này xây dựng các yêu cầu báo cáo liên quan đến ESG cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Giống như nhiều công ty khởi nghiệp xanh, các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp, năng lượng, sản xuất và giao thông vận tải sẽ là những ngành quan trọng nhất để đầu tư ESG. Tất cả chúng đều bị ràng buộc hoặc phụ thuộc vào khoa học sinh học. Trong thế giới của chúng ta, mọi ngành phải được dưạ trên tính bền vững.
CNSH được xem như là một phương tiện cần thiết để đạt được mục đích đó, đồng thời hướng đến những giải pháp xanh sạch hơn, công bằng hơn nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu thụ những hàng hóa thiết yếu của thế giới.
Các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, cho dù đang tìm cách hoàn thành các mục tiêu đầu tư ESG hay hoàn toàn định hướng lại danh mục đầu tư sau đại dịch của họ liên quan đến sự công bằng xã hội và tính bền vững, nên có một cái nhìn tích cực về những gì mà ngành công nghệ sinh học đã đạt được gần đây: chính là tạo ra một con đường bền vững đi lên từ đại dịch, biến đổi khí hậu và đói nghèo.
—
Tác giả bài viết – Bà Michelle McMurry-Heath – là một bác sĩ và là nhà khoa học, đồng thời là chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tổ chức Đổi mới Công nghệ Sinh học (BIO). Joyn Bio và AquaBounty đều là thành viên của BIO
*Chú thích: Đầu tư ESG là việc xem xét đánh giá, ra quyết định đầu tư dựa trên các yếu tố: môi trường – xã hội – quản trị doanh nghiệp (Environmental – Social – Corporate Governance) của công ty.
Bình luận