Vào ngày 16/4/2024, tổ chức CropLife Châu Á và Hội đồng Kinh doanh Châu Âu-ASEAN đã công bố “Báo cáo về Tính Bền vững của các Hệ thống Thực phẩm ASEAN” được tổng hợp dựa trên những thảo luận được đưa ra trong Hội thảo đầu tiên về Tính Bền vững của các Hệ thống Thực phẩm ASEAN tại Jakarta vào tháng 11 năm 2023.
Báo cáo đã cung cấp phân tích chuyên sâu về những thách thức và cơ hội hiện tại mà ngành nông nghiệp và sản xuất cây trồng ở Đông Nam Á đang đối mặt; nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp dựa trên đặc thù khu vực song song với các xu hướng bền vững toàn cầu.
Tiến sĩ Siang Hee Tan, Giám đốc Điều hành, CropLife Châu Á cho biết “Báo cáo kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á cần bắt tay vào hành động để đảm bảo các chiến lược nông nghiệp quốc gia đáp ứng nhu cầu và giải quyết thực trạng trong nước. Việc hiện thực hóa các hệ thống thực phẩm an toàn, đảm bảo và bền vững trong khu vực đòi hỏi phải cân bằng giữa việc tăng năng suất với bảo vệ môi trường và tính khả thi về kinh tế cho các nông hộ nhỏ. Chúng ta có thể và phải hợp tác để đảm bảo các nông hộ nhỏ ở Đông Nam Á có khả năng tiếp cận các cải tiến công nghệ, giúp tăng sản lượng thực phẩm với ít tài nguyên thiên nhiên hơn và ít tác động đến môi trường xung quanh hơn.”
Bản báo cáo làm sáng tỏ những tác động của quá trình gia tăng dân số và nhu cầu lương thực ở Đông Nam Á. Cụ thể, khu vực này dự kiến sẽ có thêm gần 30 triệu dân vào năm 2030 so với Liên minh châu Âu. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của các phương pháp tiếp cận sáng tạo giúp gia tăng độ tin cậy và giảm giá thành của nguồn cung thực phẩm. Một phát hiện quan trọng khác từ báo cáo này là tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp trong khu vực, như năng suất cây trồng giảm, rủi ro do các điều kiện thời tiết khắc nghiệt gia tăng, sâu và bệnh hại liên tục lây lan. Khí hậu nhiệt đới cũng như điều kiện đặc thù của đất đai trong khu vực cũng góp phần tạo nên những thách thức nông nghiệp kể trên.
Chris Humphrey, Giám đốc Điều hành của Hội đồng Kinh doanh Châu Âu-ASEAN cho biết: “Chúng ta đang sống trong một thế giới mà an ninh lương thực, cải thiện giá trị dinh dưỡng thực phẩm và đẩy mạnh thu nhập nông thôn ngày càng trở nên quan trọng và đều là các biện pháp phát triển bền vững thiết yếu. Chúng ta phải tiến hành các giải pháp này song song với việc chăm sóc và bảo vệ môi trường tự nhiên. Như báo cáo đã nhấn mạnh, những điều này có thể được thực hiện đồng thời và thực hiện một cách cân bằng.”
Báo cáo cũng đưa ra những nhìn nhận chi tiết về tình hình xuất khẩu của các cây trồng chủ lực trong ASEAN cũng như những hạn chế mà những chính sách nghiêm ngặt về nông nghiệp và môi trường của Thỏa thuận Xanh châu Âu có thể cản trở tới năng suất và tính bền vững của nông nghiệp khu vực. Ngoài ra, báo cáo nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của các sáng kiến nông nghiệp khác bao gồm các giải pháp kỹ thuật số cho phân phối thực phẩm, đào tạo nông dân về kỹ thuật canh tác hiệu quả và sử dụng những cải tiến của công nghệ chỉnh sửa gen và bảo vệ thực vật.
Vui lòng truy cập báo cáo đầy đủ trên trang web của CropLife Việt Nam tại đây
—-
Bình luận