Ngày 28 tháng 10 năm 2015, với 577 số phiếu tán thành, 75 phiếu phản đối và 38 phiếu trắng, Hội nghị của Nghị viện châu Âu đã bác bỏ dự thảo luật cho phép các nước thành viên trong Liên Minh Châu Âu được quyền cấm hoặc hạn chế nhập khẩu các loại thực phẩm và thức ăn chăn nuôi biến đổi gen (BĐG) trong phạm vi lãnh thổ quốc gia của mình. Ủy ban về Môi trường, Y tế Công cộng và An toàn Thực phẩm (The Committee on the Environment, Public Health and Food Safety) phủ quyết dự thảo này và cho rằng đó là đề xuất bất khả thi.
Ông Giovanni La Via, Chủ tọa hội nghị – người đề xuất bác bỏ dự thảo lần này cho rằng các quốc gia thành viên nên tự chịu trách nhiệm và cùng đưa ra quyết định dưới cấp độ Liên minh, thay vì tự đưa ra lệnh cấm ở cấp quốc gia. “Tôi tin rằng dự thảo này sẽ mang lại những hậu quả tiêu cực đối với nền nông nghiệp Châu Âu, nơi đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thức ăn có thành phần BĐG. Đề xuất này cũng có thể có tác dụng tiêu cực gián tiếp đến quá trình nhập khẩu. Và hơn thế, với tình hình thực tế là không có sự kiểm soát biên giới giữa các quốc gia trong Liên minh thì mức độ khả thi của đề xuất này cũng là mối quan ngại.”– ông cho biết thêm.
Việc bác bỏ đề xuất cấm nhập khẩu sinh vật BĐG này cũng đồng thuận với ý kiến của các Ủy ban của Quốc hội có liên quan cũng như với quan ngại của ngành công nghiệp thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Các hiệp hội COCERAL, FEDIOL và FEFAC gần đây vừa ban hành một báo cáo phân tích các tác động kinh tế có thể gây ra nếu đề xuất này được chấp thuận. Theo đó, nếu thay thế đậu nành biến đổi gien bằng đậu nành không biến đổi gen và chuỗi cung ứng hiện tại của Châu Âu, chi phí thức ăn chăn nuôi của toàn ngành sẽ tăng khoảng 10% (tức là tăng 1,2 tỷ euro nếu 4 nước chọn thay thế và tăng khoảng 2,8 tỷ euro nếu tất cả các nước trong Liên minh chọn thay thế) và sẽ làm cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của châu lục này kém tính cạnh tranh không chỉ đối với các nước vẫn đang tiếp tục lựa chọn BĐG mà còn với các quốc gia khác tại chính thị trường nội địa và thị trường quốc tế.
Trước quyết định bác bỏ đề xuất của Nghị viện, bà Leticia Gonçalves, Chủ tịch Hội đồng Agri-Food của EuropaBio chia sẻ: “Chúng tôi hoan nghênh việc Nghị viện châu Âu bác bỏ đề xuất cho phép các quốc gia được đưa ra lệnh cấm đối với các sản phẩm BĐG đã được EU cấp phép và chứng nhận vì những lí do phi khoa học. Đề xuất này nếu được chấp thuận sẽ làm suy yếu thị trường và sinh kế của người nông dân tại châu lục đồng thời rung lên hồi chuông cảnh báo cho bất kỳ ngành công nghiệp tiên tiến nào muốn đầu tư vào châu Âu.”
Trước đó Mỹ cũng đã chỉ trích nội dung của đề xuất khi cho rằng nếu được chấp thuận, đề xuất này sẽ khiến Châu Âu bỏ qua cơ sở khoa học đánh giá về tính an toàn thực phẩm và môi trường của sản phẩm BĐG; sẽ làm chia rẽ thị trường châu Âu và không phù hợp với những nguyên tắc hiện có qua các cuộc đàm phán xuyên Đại Tây Dương về thỏa thuận tự do thương mại.
Bài viết gốc (tiếng Anh): http://www.bloomberg.com/news/articles/2015-10-28/european-parliament-opposes-national-bans-on-gmo-food-imports
***********************
Một số thông tin thêm về tình hình ứng dụng, nhập khẩu và tiêu dùng các sản phẩm biến đổi gen tại Châu Âu
- Hiện trạng nhập khẩu và tiêu dùng: Châu Âu là thị trường nhập khẩu lớn các sản phẩm có nguồn gốc BĐG trên thế giới. Mỗi năm Châu Âu nhập khẩu khoảng 33 triệu tấn đậu tương, theo đó trung bình mỗi người dân Châu Âu tiêu thụ khoảng 60kg đậu tương mỗi năm. Nguồn đậu tương này được sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi, được dùng để sản xuất thịt, các sản phẩm từ sữa và nhiều sản phẩm có giá trị khác. Các nông trại chăn nuôi của Châu Âu phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung cấp thức ăn từ nhập khẩu và hiện tại đang không có một phương pháp nào có thể thay thế bởi Châu Âu hiện tại chỉ sản xuất được khoảng 1,7 triêu tấn đậu tương, đáp ứng chưa đến 5% nhu cầu thực tế. Tham khảo thông tin thêm thông tin: http://www.europabio.org/sites/default/files/infographic_eu_benefits_from_gm_trade.pdf và http://www.europabio.org/sites/default/files/infographic_ms_gmos.pdf
- Tình hình cấp phép các sự kiện biến đổi gen và quy trình đánh giá pháp lý: Hiện tại có 58 sự kiện BĐG được nhập khẩu và tiêu thụ tại Châu Âu, trong đó có 1 sự kiện ngô kháng sâu được cho phép canh tác. Việc đánh giá tính an toàn của mỗi sự kiện BĐG được thực hiện rất nghiêm ngặt, tuân thủ các quy định ở mức độ Liên minh. Bất cứ thực phẩm và thức ăn chăn nuôi BĐG nào khi muốn được nhập khẩu, canh tác hay thương mại hóa trên lãnh thổ Châu Âu đều phải trải qua quy trình đánh giá an toàn được tiến hành bởi các chuyên gia nghiên cứu độc lập tại Cơ Quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EPSA)
- Người dân Châu Âu nghĩ gì về BĐG: Một cuộc khảo sát thăm dò dư luận được tiến hành vào năm 2010 bởi Eurobarameter với khoảng 16,000 người dân Châu Âu đã đưa ra câu hỏi “Bằng cách diễn đàn của riêng mình, bạn hãy chia sẻ bạn lo lắng những rủi ro gì có thể có khi sử dụng thực phẩm và thói quen ăn uống hàng ngày?” Chỉ có 8% trên tổng số các câu trả lời bày tỏ sự lo ngại với thành phần BĐG trong thực phẩm. Ngoài ra một nghiên cứu tại Đức năm 2013 cũng cho thấy giới trẻ có suy nghĩ tích cực hơn về BĐG so với những thế hệ trước. Tham khảo thêm thông tin: https://infogr.am/gmo__do_we_judge_before_we_know
Bình luận